Huyện Côn đảo là một quần đảo ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu. Quần đảo rộng 76 km2 này bao gồm 16 hòn đảo, lớn nhất là đảo Côn Sơn. Côn Đảo cách Vũng Tàu 185 km, cách TP HCM 230 km, cách Cần Thơ khoảng 83 km. Dịch vụ giao thông, lữ hành, lưu trú, ăn uống trên đảo phát triển khiến địa danh này ngày càng thăng hạng trên bản đồ du lịch.
Bên cạnh du lịch tâm linh, về nguồn, nhiều du khách đang biết đến Côn Đảo là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm phượt lý thú còn nhiều điều khám phá. Dưới đây là những gợi ý cho chuyến du lịch của bạn trên hòn đảo này.
Từ tháng 3 đến tháng 9 là thời gian đẹp nhất để khám phá Côn Đảo. Tuy còn trong mùa mưa nhưng lúc này biển êm, gió nhỏ ở các đảo phía Đông và Đông Bắc. Du khách nên thăm thú đảo xa vào ban ngày, nơi tràn ngập nắng vàng và trời xanh thích hợp lặn biển và chụp ảnh. Buổi chiều hay có mưa rào, thích hợp tham quan các di tích có mái che ở đảo lớn.
Tháng 7-9 là mùa sinh sản của rùa biển. Thời gian còn lại, tháng 10 đến tháng 3 năm sau, là mùa gió chướng, vùng biển vịnh Côn Sơn có sóng lớn. Tuy nhiên, vùng biển phía Tây và Tây Nam đảo lớn vẫn êm, không mưa, do đó du khách có thể chuyển hướng tham quan sang khu vực này với cảnh quan thiên nhiên đẹp không kém.
Máy bay là phương tiện di chuyển ra Côn Đảo tiết kiệm thời gian nhất. Hiện Bamboo Airways khai thác đường bay thẳng trong khoảng 2 giờ 30 phút giữa Côn Đảo với Hà Nội (từ 2,7 triệu đồng một chiều). Vietnam Airlines bay từ TP HCM (khoảng 1,3 triệu đồng một chiều), Cần Thơ (khoảng 1,7 triệu đồng một chiều) đến Côn Đảo và ngược lại. Mỗi chuyến khoảng 50 phút.
Từ sân bay Côn Đảo về trung tâm thị trấn khoảng 15 km, bạn có thể đi xe máy, taxi hoặc xe chuyên chở của resort. Quãng đường này mất trung bình từ 20 đến 30 phút. Để đi nhanh hơn, bạn có thể chọn đường Cỏ Ống.
Nếu không ngại đi tàu biển ra Côn Đảo, bạn có thể ghé Côn Đảo từ tháng 4 đến tháng 6, thời điểm biển êm nhất. Nhiều du khách thường chọn đi xe ra Vũng Tàu rồi tiếp tục ngồi tàu 5 tiếng ra Côn Đảo. Đường ngắn hơn là đi tàu từ cảng Trần Đề (Sóc Trăng) thằng ra đảo, chỉ mất 2 tiếng di chuyển, giảm hơn một nửa thời gian so với việc xuất phát từ Vũng Tàu.
Taxi giá từ 300.000 đồng đến 450.000 đồng một chuyến. Một số resort, khách sạn cung cấp xe đưa đón miễn phí hoặc thu phí mỗi chiều khoảng 50.000 đồng một người. Nếu đi đông, bạn nên liên hệ thuê ô tô riêng.
Trên đảo, bạn có thể di chuyển bằng taxi với giá khoảng 12.000 đồng/km, xe điện khoảng 20.000 đồng/km, hoặc thuê ô tô 12 - 16 chỗ với giá từ 1,5 triệu đồng một ngày.
Tùy mục đích chuyến đi, bạn có thể ở resort, khách sạn hoặc nhà nghỉ, xa hoặc gần trung tâm đảo. Nếu muốn nghỉ dưỡng, các resort, khách sạn cao cấp sát biển, sát rừng, có bãi biển riêng là lựa chọn tối ưu. Để tiện khám phá thị trấn và ra bến tàu từ sáng sớm, bạn nên lưu trú ở các khách sạn, homestay ở trung tâm đảo.
Giá phòng ở Côn Đảo có nhiều mức, dao động từ 200.000 đồng đến hơn 10 triệu đồng. Du khách cũng có thể cắm trại dã ngoại qua đêm ở những nơi được ban quản lý điểm tham quan cho phép.
Côn Đảo chưa phát triển nhiều khu nghỉ dưỡng nhưng có một resort 5 sao là Six Senses, nơi Brad Pitt và Angelina Jolie từng lưu trú trong chuyến đi nghỉ vào năm 2011. Khu nghỉ dưỡng có 50 biệt thự, hồ bơi vô cực, spa..., phía sau là rừng xanh bát ngát, phía trước là bờ cát trắng trải dài. Giá phòng trung bình khoảng 15 triệu đồng.
Tùy thời gian, mục đích và phong cách du lịch, bạn có thể lựa chọn những điểm đến dưới đây cho kế hoạch trong ngày, 4 ngày 3 đêm, hoặc 5 ngày 4 đêm.
Khám phá thiên nhiên
Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau là hai điểm du lịch sinh thái ngoài khơi Côn Đảo quen thuộc, gồm các trải nghiệm lặn ngắm san hô, tham quan rừng ngập mặn, đúng mùa sẽ được xem rùa đẻ trứng, thả rùa con về biển.
Du khách có thể tự thuê cano ra đảo nhỏ, giá khoảng 2 - 5 triệu đồng một buổi. Để tiết kiệm chi phí, bạn nên đặt tour trong ngày gồm thả rùa về biển kết hợp lặn ngắm san hô Hòn Bảy Cạnh, giá 790.000 đồng một khách do công ty Con Dao Explorer khai thác.
Ngoài ra, blogger Ngô Trần Hải An còn gợi ý cho những ai thích chinh phục tọa độ của 3 điểm đánh dấu lãnh hải Việt Nam, nằm trên Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tài Lớn và Hòn Bông Lan gần đó.
Vịnh Đầm Tre nằm ở phía bắc đảo, kín gió, có rừng ngập mặn bao bọc xung quanh, là nơi chim yến làm tổ trong mùa sinh sản và nhiều loài sinh vật biển khác. Trên đường đi, du khách có thể dừng ngắm hoặc tắm tại bãi biển Lò Vôi, bãi biển Đất Dốc, mũi Chim Chim, vịnh Đông Bắc...
Bãi Đầm Trầu là bãi biển lặng sóng, nằm sát sân bay Côn Đảo, cách trung tâm đảo khoảng 15 km. Nơi đây thu hút nhiều du khách check-in cảnh tượng máy bay hạ cánh sát đầu người.
Mũi Tàu Bể nằm trên con đường độc đạo từ sân bay về thị trấn, được bao bọc bởi những phiến đá dựng đứng tạo thành vòng cung ôm biển. Nơi đây là điểm chụp ảnh "sống ảo" kiểu mạo hiểm, đồng thời được coi là nơi ngắm bình minh đẹp nhất Côn Đảo.
Bãi An Hải, bãi Cầu Tàu là các bãi tắm ở trung tâm đảo lớn, có bãi cát trắng mịn, biển lặng sóng, nơi đông người địa phương đến tắm.
Bãi Nhát, mũi Cá Mập là bãi biển hoang sơ nằm bên con đường xuyên đảo. Vì có lối xuống dốc thoải nên du khách thường dừng lại chụp ảnh với cung đường uốn quanh triền núi, một bên là bãi biển xanh trong vắt.
Nếu bạn du lịch Côn Đảo vào mùa gió chướng, hãy chuyển hướng sang những điểm đến phía Tây và Tây Nam.
Bãi Ông Đụng hoang sơ, phù hợp để dã ngoại, nghỉ dưỡng, sinh hoạt tập thể. Từ đây du khách có thể thuê cano của trạm kiểm lâm tham quan các đảo lân cận như Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ.
Hòn Tre Nhỏ cách bãi Ông Đụng 2 km, có hệ thực vật phân bố trên đảo chủ yếu là cây tre nên đặt thành tên. Nơi đây là sân chim trên biển, từ tháng 5 – 9 sẽ có hàng nghìn lượt chim di cư từ phương Bắc về đây làm tổ và đẻ trứng như nhàn mào, hải âu, các loài nhạn biển... Du khách có thể đi cano ra đảo để xem san hô, xem chim biển, câu cá giải trí.
Hòn Tre Lớn có bãi cát trắng mịn, tập trung nhiều rùa biển lên đẻ trứng (xếp thứ hai sau bãi Cát Lớn, Hòn Bảy Cạnh).
Rừng nguyên sinh Ông Đụng, Núi Chúa là nơi trekking đẹp. Từ Côn Đảo, bạn đi về phía Tây, trải nghiệm chuyến trekking khoảng một giờ băng qua rừng nguyên sinh, dẫn đến bãi biển cuối rừng. Vé vào cổng Vườn quốc gia Côn Đảo có giá 60.000 đồng một người.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan, tìm hiểu thêm về quy trình nuôi cấy ngọc trai ở các trại nuôi trai và mua những sản phẩm từ ngọc. Côn Đảo còn một số đảo nhỏ ngoài khơi khác như Hòn Bà, Hòn Trứng (Hòn Đá Bạc), Hòn Vung (Phú Vinh), Hòn Anh, Hòn Em... tuy nhiên chưa khai thác dịch vụ du lịch.
Tham quan di tích, thăm viếng điểm đến tâm linh
Bảo tàng Côn Đảo hiện trưng bày khoảng 2.000 tư liệu, vật phẩm có giá trị về thiên nhiên, con người Côn Đảo từ xưa đến nay, và tìm hiểu về lịch sử đấu tranh nhà tù Côn Đảo trong 113 năm. Giá vé vào cửa: 20.000 đồng một lượt.
Nhà chúa đảo là nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo, trải qua 113 năm (1862 - 1975), nay còn lưu giữ nhiều hiện vật của cuộc sống xa hoa của các chúa đảo người Pháp, Mỹ, Việt, Trung Quốc.
Hệ thống nhà tù Côn Đảo nằm trong danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. "Địa ngục trần gian" này là điểm hẹn về nguồn của đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Với 40.000 đồng một vé, du khách được tham quan cụm các di tích lịch sử gồm Nhà chúa đảo, trại giam Phú Hải, Chuồng cọp Pháp, Chuồng cọp Mỹ. Giờ đón khách ở các di tích lịch sử là 7h30 - 11h30 và 14h - 17h trong ngày, kể cả cuối tuần và ngày lễ. Bạn nên đăng ký hoặc đi theo đoàn có thuyết minh viên để được nghe những câu chuyện tại nhà tù năm xưa.
Nghĩa trang Hàng Dương là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng nhất Côn Đảo, nơi an nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ, trong đó có mộ chị Võ Thị Sáu. Đêm xuống, du khách đến đây rất đông để thăm viếng, cầu nguyện.
Nghĩa trang Hàng Keo là nơi hướng dẫn viên hoặc người dân thường gợi ý du khách đến thắp hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt này để tỏ lòng biết ơn đến những chiến sĩ đã ngã xuống.
Cầu tàu 914 là chứng nhân lịch sử về sự lao động khổ sai và hi sinh xương máu của rất nhiều chiến sĩ. Nay du khách đến cầu tàu 914 để thắp hương, tham quan, câu cá, ngắm cảnh, chụp hình mặt trời mọc.
Cầu Ma Thiên Lãnh được xây dựng từ năm 1930, do người Pháp bắt tù nhân tay không xây trên núi cao, để khai thác cây gỗ, đá phục vụ công việc xây dựng trại giam, các công sở...
Đền thờ bà Phi Yến (An Sơn Miếu) là miếu thờ thứ phi của Chúa Nguyễn Ánh, do người dân địa phương trân quý đức hạnh của bà đã lập nên và tổ chức giỗ chay quy mô toàn đảo vào ngày 17 và 18/10 âm lịch hàng năm.
Chùa Núi Một (Vân Sơn Tự) là ngôi chùa duy nhất trên đảo, được xây từ năm 1964. Chùa nằm trên núi cao với tầm nhìn 4 phía là rừng xanh, vịnh Côn Sơn, thị trấn và hồ sen An Hải.
Những cung đường trên đảo cũng có nhiều không gian đẹp như tuyến đường rợp bóng cây bàng, hoa muồng vàng và phượng đỏ vào mùa hè, các bụi hoa giấy hồng dọc đường, ngôi nhà xưa cũ, các mũi cầu tàu vươn ra biển, con đường ven biển sát vách núi đá...
Hải sản Côn Đảo bạn nên tìm thưởng thức là ốc vú nàng, ốc nón, ốc tai tượng, ốc bàn tay, tôm hùm đỏ, tôm mũ ni, cá mú đỏ, mực một nắng... và các loại cá biển.
Đặc sản mang về được bày bán nhiều ở chợ Côn Đảo, gồm các loại hải sản tươi sống, sấy khô và hàng lưu niệm. Du khách chuộng nhất mứt hạt bàng và rượu sâm đất. Vị sâm Côn Đảo ngọt nhẹ, hăng hắc thơm khá giống sâm Hàn Quốc. Dân gian thường lấy củ sâm đất ngâm rượu, tiềm gà, hầm vịt bồi bổ...